Người Việt có một quan niệm lâu đời rằng “nghĩa tử là nghĩa tận”, khi chết rồi cũng cần phải có “mồ yên mả đẹp”, nên con cháu khi chăm lo chuyện trăm tuổi cho các cụ cũng đều muốn làm cho tận lòng. Nhưng lạm dụng quá mà thành phô trương, theo đuổi hình thức không cần thiết thì có khi lại còn mang thêm cái tiếng không hay cho chính người đã khuất.
Xưa khi Trang Tử sắp quy tiên, đệ tử của ông bắt đầu lập kế hoạch đám tang lớn. Nhưng Trang Tử nói:
“Ta có trời đất làm quan tài; mặt trời mặt trăng làm biểu tượng ngọc treo bên cạnh ta; các vì sao sẽ chiếu sáng như châu báu quanh ta, và mọi sinh linh đều hiện diện như người than khóc bên ta. Cần gì hơn nữa? Mọi thứ đều được chăm nom dư giả”.
Nhưng các đệ tử nói:
“Chúng con sợ rằng quạ và diều sẽ rỉa thịt thầy”.
Trang Tử đáp:
“Xác người chết mà để trên đất thì diều quạ ăn, để dưới đất thì sâu bọ ăn. Bây giờ cướp của loài kia cho loài này, tâm sao mà thiên như thế? Tâm người đã thiên, thì bất bình, đem cái bất bình mà cho là bình thì cái bình không phải là bình nữa. Tâm người không sáng thì chẳng thật, đem cái chẳng thật mà cho là thật thì cái thật không còn là thật nữa”.
Cho tới tận lúc sắp lìa đời, Trang Tử vẫn để lại một bài học thâm sâu cho các đệ tử của mình. Theo quan điểm của Trang Tử, thế giới là một dòng sinh sinh hoá hoá bất tận. Vạn vật vốn dĩ đã như thế, đều tuân theo vòng cuốn bất tận được ông gọi là một “bánh xe tự nhiên” (Thiên quân). Vạn vật đều có sự ràng buộc và phụ thuộc, có tính tự nhiên và tất yếu mà Trang Tử gọi là “mệnh”.
Con người vốn đã không thể tự lựa chọn cho chính sự sinh ra của mình, vậy thì chết đi cũng thế, cũng là nên thuận theo tự nhiên mà trở về. Trang Tử coi việc chết là trở về, thể hiện rõ trong câu chuyện.
Một hôm Trang sinh đi chơi núi thấy dưới núi có mồ mả ngổn ngang bèn than rằng:
“Già trẻ không phân biệt
Hiền ngu một lối về!”
Đã là kết thúc một chặng đường, tiếp tục hành trình mới của sinh mệnh, thì những gì ở lại sau lưng chẳng còn gì quan trọng. Nào danh, lợi, sắc, tình… không gì còn ý nghĩa, thì cái nấm mồ nguy nga, hay lễ nghi rườm rà không cần thiết có gì là quan trọng đây?
Vậy mà ngày nay, có người khi sống cúng bái các nơi, góp bao tiền công đức cho chùa chiền khắp chốn, mà vẫn không hiểu được cái vô vi khá tương đồng của Phật gia và Đạo gia. Hoặc do con cháu chẳng thể hiểu được cái ngộ là thành quả cả đời của người thân mà bày vẽ ra đám tang cầu kỳ, hoành tráng. Còn làm ra cả quần thể mộ phần rộng lớn như một sự tưởng nhớ cuối cùng cho người đã khuất.
Hoá ra tấm lòng kính ngưỡng, thương tiếc, trân trọng những giá trị tốt đẹp mà một người để lại, lại phụ thuộc vào những thứ hình thức long lanh bề nổi. “Hổ chết để da, người chết để tiếng”, đánh giá của người đời về cuộc đời của người nào đó là tấm bia đá to lớn, bền vững hơn cả so với hàng trăm, hàng nghìn mét vuông mộ phần.
Câu chuyện trên của Trang Tử còn có một vế sau rất sâu sắc nữa, ngoài cái ý nói về việc sa đà hình thức không cần thiết cho sự ra đi của một con người.
“Tâm người không sáng thì chẳng thật, đem cái chẳng thật mà cho là thật thì cái thật không còn là thật nữa”.
Đem cái hình thức hoành tráng của một đám ma, cái lăng mộ nguy nga của một người đã khuất mà cho rằng có thể nói nên sự trân trọng, kính ngưỡng của người khác thì chẳng phải là đem cái chẳng thật mà cho là thật sao? Như thế thì cái thật không còn là thật nữa.
Con người cũng là một phần thuộc về tạo hoá, sống thuận với quy luật và làm sáng rõ được cái đức của mình mới là thành tựu của sinh mệnh đó. Như đức của mặt trời là chiếu sáng, đức của cây xanh là che mát, tạo ô-xy, đức của chim muông là gieo hạt giống, đức của nước là gột rửa, tạo mây, mưa… tất cả đều là trong lúc sinh trưởng, tồn tại mà làm lợi cho vật khác, cộng sinh cùng tồn tại để làm tròn sứ mệnh của mình. Con người chẳng phải cũng là nên như thế hay sao, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi làm được điều tốt cho người khác, không phá vỡ quy luật tự nhiên và ngạo mạn đặt mình cao hơn vạn vật.
Thế thì con người cứ làm sáng được cái đức đó thì sẽ được người đời ghi nhớ và trân trọng. Sao phải dựng lên những thứ hữu hình đồ sộ cốt để đánh lừa cảm nhận của người còn sống. Sao đánh lừa được đây? Người xưa có câu: “Không ngừng tích ân đức, có thể sai khiến được cả thiên hạ. Đó là sự khái quát ngắn gọn về đạo đức”.
Xưa, “Việt vương Câu Tiễn miệng ngậm cỏ liễu cay đắng hỏi về nỗi thống khổ của dân chúng, cuối cùng xưng bá chư hầu. Ngô Khởi thương xót sĩ tốt, dùng miệng hút máu mủ cho binh sĩ bị lở loét, cuối cùng đánh thắng nước địch. Tử Hãn khóc thương cho binh sĩ giữ cửa thành khiến dân chúng toàn thành cảm động, nước Tấn vì thế không dám đến xâm phạm. Sở Trang Vương đổ rượu xuống sông cùng uống với toàn quân, khiến binh sĩ cảm động. Người có đạo nghĩa thì võ sĩ chiến đấu vì họ, mưu sĩ bày mưu tính kế cho họ…” – (Hoàng Thạch Công).
Thế nên người sống có đạo đức thì có thể khiến người khác toàn tâm toàn ý theo mình, đó chính là cái ý “có thể sai khiến được cả thiên hạ” trong câu trên. Lẽ dĩ nhiên, khi người đó nằm xuống, trở về với đất, người khác không cần bị bắt ép, sẽ tự trân trọng và kính ngưỡng cái đức dày của họ mà thôi.
Vậy cái gốc của sự kính ngưỡng đối với người đã khuất là gì? Chẳng phải là từ chính việc tu dưỡng, thực hành đạo đức, nhân cách của ta khi còn sống sao. Đến chết vẫn còn lấy cái chẳng thật mà cho là thật thì cũng hoài công vô ích, chỉ tốn kém bạc tiền, vật chất. Nỗ lực thổi phồng như con cá nóc chỉ doạ được đám cá với thế giới quan nhỏ bé trong vùng nước, chứ chẳng thể doạ được người đứng ở ngoài nước mà nhìn vào.
Nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng cái nghĩa sống cũng phải cho tận, nếu không thì cũng uổng một cái đời sống đó mà thôi.
Trương Thanh