Chap vẫn thường hay bối rối khi phải trả lời các câu hỏi như: Làm thế nào để kiểm soát được cơn giận; làm thế nào để giữ được bình tĩnh khi đối mặt với một tình huống bất ngờ; làm thế nào để làm chủ được các cảm xúc, suy nghĩ của mình để những lo lắng, phiền não, bất an… không “hành hạ” tinh thần và tâm trí ta đến mệt mỏi, … Bối rối vì sao? Vì bản thân Chap còn chưa làm được những điều đó nữa là, haha!

Thực ra, nếu để đưa ra một câu trả lời chung chung mang tính lý thuyết, hoặc thậm chí, là phương pháp thực tế mà Chap vẫn áp dụng khi rơi vào các hoàn cảnh trên thì rất dễ dàng. Nhưng… Chap không đành. Bởi điều đó sẽ không mang lại được nhiều hiệu quả nếu như bạn không có được cái nhìn tổng quát hơn về vấn đề của bạn. Và cũng có thể, bạn sẽ chẳng quan tâm tới câu trả lời ấy khi thấy nó không phù hợp với mình hay áp dụng không hiệu quả.

Vậy vấn đề của bạn ở đây là gì? Đã bao nhiêu lần bạn tức giận vì một điều nào đó? Đã bao nhiêu lần bạn phản ứng một cách giống nhau trước những tình huống tương tự xảy ra? Câu trả lời chắc chắn chỉ có thể tóm gọn lại trong một câu: “Vô số lần”. Vì không chỉ một lần bạn tức giận với một đứa trẻ bướng bỉnh, lo lắng chuẩn bị cho một sự kiện lớn, hay hồi hộp khi đứng trước đám đông, mỗi phản ứng cứ lặp đi lặp lại, rồi từ bao giờ hình thành nên những thói quen. Thói quen lớn dần lại ăn sâu vào tính cách, thái độ, suy nghĩ của bạn.

Khi nghĩ tới cơn thịnh nộ của mình, có lẽ bạn chỉ nhìn nhận nó dưới góc độ là một phản ứng nhất thời. Bởi vậy, bạn cũng chỉ cần một phương pháp nào đó để đối trị với nó ngay tại thời điểm nó xuất hiện. Nhưng nếu nhìn nhận nó như một thói quen, một phần trong tính cách bất di bất dịch của bạn thì có chắc là phương pháp kia đã hiệu quả? Chẳng hạn có một cách thức thực sự hiệu quả đi chăng nữa thì bạn nghĩ mình sẽ áp dụng được mấy lần? Rồi bạn sẽ thấy vấn đề thuộc về tinh thần cũng chẳng khác nào căn bệnh trên thân thể. Nếu nó nhẹ nhẹ thì dùng một phương pháp hay phương thuốc đơn giản thì có thể chữa trị được. Một khi nó đủ lớn để yêu cầu phương pháp hay phương thuốc điều trị cao hơn thì “con số một” chưa chắc đã đủ. Dùng đi dùng lại một loại thuốc thì vi khuẩn sẽ nhanh chóng kháng thuốc hay biến chứng sang một dạng bệnh khác nghiêm trọng và tinh vi hơn. Cơn giận hay những vấn đề tâm lý khác cũng như vậy. Bởi vậy, điều bạn cần sẽ nhiều hơn là một phương pháp cụ thể, thậm chí còn nhiều hơn rất nhiều.

Trước tiên, hãy xác định cơn giận hay vấn đề bạn đang mắc phải và muốn thay đổi là một phần trong những thói quen phản ứng thường ngày của bạn. Đã là thói quen ăn sâu vào tính cách thì điều bạn cần thay đổi là cả con người mình, chứ không chỉ là việc dập được ngọn lửa giận nhất thời. Thói quen cũng giống như rễ cây bám sâu vào lòng đất, để nhổ bỏ nó ta cần chiếc rìu sắc bén mang tên: Ý chí. Ý chí ở đây là sự quyết tâm mạnh mẽ, bằng mọi cách phải tạo nên sự thay đổi mới thôi. Chưa nói tới việc gì lớn lao, chỉ cần thử xây dựng thói quen thức dậy sớm hơn thường ngày 1 tiếng đồng hồ. Bạn xem nếu không có ý chí, liệu bạn có thực hiện được hay duy trì điều đó trong bao lâu? Một khi đã có ý chí thì chắc hẳn bạn sẽ biết mình cần phải làm những gì. Bạn sẽ chủ động hơn trong việc tìm cách giải quyết vấn đề của mình chứ không chỉ chờ câu trả lời từ người khác.

Bản chất của thói quen là sự lặp đi lặp lại hành động hay thái độ, phản ứng nào đó. Bởi vậy, thay đổi thói quen không phải là chuyện ăn xổi ở thì, diễn ra trong một sớm một chiều. Bạn muốn thay đổi được thói quen phản ứng của mình, hãy xác định bạn phải lặp đi lặp lại việc kháng lại phản ứng đó với số lần tương ứng với số lần đã tạo nên thói quen ấy. Chẳng hạn, trong suốt 30 năm cuộc đời, cơn tức giận của bạn đã xuất hiện 1000 lần. Vậy có thể bạn cũng phải mất tới 1000 lần cố gắng để kiểm soát cơn giận của mình, trong 30 năm tiếp theo. Dĩ nhiên, con số này không phải là con số chính xác vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như mức độ tức giận của mỗi người, tác nhân gây nên cơn giận, mức độ nhận thức, sự nỗ lực, cố gắng thay đổi ở từng người, các thói quen, tính cách khác… Những con số trên chỉ thể hiện một điều rằng, bạn sẽ cần kha khá thời gian và sức lực để tạo nên sự chuyển hóa một điều nào đó ở bản thân bạn. Hãy kiên nhẫn và cho mình thời gian để thay đổi dần dần. Nhưng cũng đừng lấy nó làm lí do cho sự trì hoãn và giải đãi của mình các bạn nhé!

Một vấn đề nữa đó là con người bạn hiện tại được hình thành nên từ rất nhiều yếu tố. Yếu tố bên ngoài liên quan tới vấn đề môi trường sống, những sự việc diễn ra xung quanh bạn, những người bạn tiếp xúc, những gì cả trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng tới nhận thức, suy nghĩ, tư duy, tính cách, nhân cách của bạn. Yếu tố bên trong một phần thuộc về sự di truyền, một phần là những nhân tố có sẵn, một phần do tiếp thu, học hỏi và tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Những gì thuộc về con người bạn được hình thành từ nhiều yếu tố như thế, nên cơn giận hay vấn đề nào đó của bạn lúc này đâu phải tự nhiên mà có. Nó cũng chẳng phải do một đối tượng cụ thể bên ngoài gây nên. Đối tượng đó chỉ là nhân tố tạo cơ hội cho cơn giận hay vấn đề đó được bộc lộ ra mà thôi. Tất cả đã được ấp ủ trong bạn từ lâu. Vậy thay vì lo triệt tiêu cơn giận khi nó đang bùng phát, bạn phải ý thức thay đổi bản thân mình từ lối sống cho tới suy nghĩ, tính cách… Một khi tất cả đều theo hướng tích cực thì hẳn nhiên, cơ hội cho sự tức giận, lo lắng… nổi lên sẽ được giảm đi. Ngay cả khi nó bùng phát đi chăng nữa thì bạn cũng sẽ đối mặt với những điều đó với tâm thế khác hơn so với phản ứng vốn có của bạn hiện tại.

Khó có thể nhận biết được một điều cụ thể nào đó ảnh hưởng lên cách chúng ta phản ứng trước các vấn đề. Cuộc sống của mỗi người mỗi khác. Bản thân mỗi người cũng không ai giống ai. Chỉ có ta mới hiểu được bản thân mình nhất và cũng nắm rõ nhất những gì có sức ảnh hưởng và tác động lên ta. Bởi vậy, nếu bạn muốn tạo nên sự thay đổi ở chính bạn, bạn phải học cách nhìn nhận bản thân mình, thành thật với nó rồi xem xét những yếu tố bên ngoài nào tác động tiêu cực hay tích cực lên bạn để tìm cách điều chỉnh. Có những thứ sẽ dễ dàng thay đổi, có thứ thì lại cần nhiều thời gian hơn. Nhưng chỉ cần bạn luôn giữ vững mục tiêu và ý chí đạt được điều đó thì thói quen phản ứng dù có vẻ đã hằn sâu vào con người bạn cũng sẽ được bào mòn và chuyển hóa dần.

Như Chap đã nhắc tới ngay từ đầu bài, bản thân Chap cũng chưa kiểm soát được các cảm xúc, suy nghĩ lăng xăng của mình, nhiều lúc còn mất bình tĩnh trong các hoàn cảnh khác nhau. Nhưng có một điều Chap biết chắc rằng cách đón nhận của mình về các vấn đề bản thân mắc phải khác rất nhiều so với Chap của nhiều năm về trước. Dù bên ngoài, ai đó có thể thấy cách mình phản ứng với một việc nào đó có thể vẫn thiếu đi sự bình tâm, nhưng việc bản thân mình hóa giải, buông bỏ những bất tịnh lâu hay chóng ra sao thì chỉ mình mình mới có được câu trả lời chính xác. Chap cũng chỉ đang cho bản thân mình thời gian để thay đổi dần, gọt giũa dần những thói quen cố hữu. Và bạn, bạn cũng bắt đầu dần đi nhé!

Similar Posts